Thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Theo các nhà khoa học, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Cá rô phi cũng ăn mùn bã hữu cơ giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi và tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh
Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có 17 thành viên, qua hơn 10 năm thăng trầm với nghề nuôi tôm nước lợ, hiện các thành viên trong HTX đều có mức sống trên trung bình và khá giàu. Đặc biệt trong 3 năm qua, khi tình hình nuôi tôm khá căng thẳng, người nuôi tôm trong tỉnh bị thua lỗ rất nhiều, thì các thành viên HTX Hòa Nghĩa vẫn thu được lợi nhuận. Trong năm 2014, HTX thu khoảng 15 tấn tôm sú và gần 95 tấn tôm thẻ chân trắng, tuy giá tôm giảm so với năm 2013, nhưng HTX cũng thu về hơn 11 tỉ đồng, trong đó bà con có lợi nhuận gần 5 tỉ đồng. Thành công đó là nhờ bên cạnh quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, mật độ thả nuôi thưa, HTX còn chủ trương nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi để xử lý nước trong ao lắng và nuôi ghép cá rô phi, cá kèo với con tôm, tạo hệ thống máy lọc sinh học xử lý môi trường ao nuôi tôm. Ông Phan Văn Sang – Trạm khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Hiện nay bà con Vĩnh Châu đang tuân thủ theo lịch khuyến cao thả nuôi vụ tôm năm 2015, đồng thời chú ý xử lý nước để tạo môi trường ao nuôi tốt. Đặc biệt mô hình thả nuôi ghép cá rô phi, cá kèo vào ao nuôi tôm rất hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào vừa đảm bảo màu nước trong suốt quá trình nuôi”.
Trước đây, theo cách nuôi truyền thống, các hộ nuôi đào ao, khử tạp rồi mới tiến hành thả nuôi, trong đó khâu khử tạp chiếm vị trí quan trọng vì phải làm sạch các loại cá trong ao mới thả giống, không để cá tạp ăn tôm non vừa mới thả. Tuy nhiên, đối với đối tượng nuôi ghép là cá rô phi thì bà con không phải lo lắng về vấn đề này, do đặc điểm của cá rô phi khi còn nhỏ (khoảng dưới 2cm/con) có thiên hướng ăn động vật hoặc thực vật thủy sinh, khi cá lớn (khoảng 100g/con) thì ăn thực vật hoặc mùn bã hữu cơ, đặc biệt có thể dọn sạch những thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm. Do đó các nhà khoa học khuyến cáo bà con khi chọn cá rô phi thả vào ao nuôi tôm thì nên chọn cá đực, kích cỡ 50 – 100g/con, mật độ 15 con/1000m2 đối với tôm sú và 20 – 25 con/1000m2 đối với tôm thẻ. Về chi tiết kỹ thuật mô hình này, kỹ sư Phan Văn Hà – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Cá rô phi có 4 loại: cá rô phi đen, cá giồng riếp, cá điêu hồng và cá phi vằn. Trong nuôi ghép bà con nên chọn cá rô phi đen đơn tính đực, do loại này chịu được độ mặn khá cao. Bà con có thể mua cá phi đơn tính về ương nuôi trong ao lắng, sau đó khi cá đạt khoảng 50 – 100g chúng ta lựa cá đực thả ghép vào ao tôm. Lợi ích: mang cá phi có tác dụng lọc nước rất tốt. Qua thực tế thời gian qua những ao tôm có nuôi ghép cá rô phi thì tình trạng tôm nhiễm bệnh giảm đáng kể”.
Với 53,5 ha diện tích ao nuôi, HTX bố trí ao lắng và ao nuôi cá rô phi khoảng 23,5 ha, còn 30 ha thả nuôi tôm. Thời vụ thả nuôi tôm vào tháng 4 và tháng 7, trong các ao lắng luôn có nguồn cá rô phi sẵn, còn thời điểm thả ghép cá rô phi vào ao tôm là sau khi xử lý nước để thả tôm hoặc khi tôm nuôi được 15 – 20 ngày tuổi. Riêng đối với ông Tăng Văn Súa – thành viên HTX Hòa Nghĩa thì việc thả cá trước khi thả tôm vào ao từ 7 – 10 ngày lại cho hiệu quả rất tốt. Ông Tăng văn Súa chia sẻ kinh nghiệm: “Thả cá trước khoảng 3 – 4 ngày để cá ăn chất dơ trong ao trước, khi kiểm tra thấy nước tốt thì tiến hành thả tôm”.
Ngoài ra theo bà con ở đây, nguồn nước lấy từ ao lắng cần được lọc qua túi vải một lần nữa để ngăn chặn trứng tép, trứng cá trước khi lấy vào ao nuôi tôm, nên lấy nước vào chiều mát hoặc sáng sớm. Nhờ việc nắm chắc kỹ thuật xử lý nước trong ao nuôi tôm, nên xã viên HTX Hòa Nghĩa hạn chế tối đa việc lấy nước từ bên ngoài, đảm bảo cho môi trường đất, nước trong ao nuôi tôm sạch mầm bệnh, độ kiềm, độ pH đạt chuẩn, giúp cho tôm có sức sống tốt và đạt năng suất cao.