Cá hải tượng có tên khoa học là Arapaima gigas, phân bố chủ yếu tại Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon. Đây là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, chiều dài có thể trên 3 m, trọng lượng 200 kg. Cá có thân dài, hình trụ và được bao phủ bởi lớp vảy to và dầy (có thể dài đến 6 cm). Miệng cá rộng, có 2 mảng xương, hàm trên có 32 răng, hàm dưới có 35 răng. Lưỡi xương, ít cử động, nhiều răng cưa nhỏ. Ống tiêu hóa của cá ngắn. Cá hải tượng thở bằng mang, nhưng bóng cá lại có chức năng hoạt động gần như phổi, giúp cá có khả năng thở trên không khí, vì vậy chúng có thể sống trong môi trường có hàm lượng ôxy hòa tan thấp. Cá có màu ghi sáng với những ánh xanh lơ. Các vảy phía thân dưới có ánh đỏ, càng về phần đuôi thì càng rõ rệt. Cá có vây đuôi tròn; vây lưng và vây bụng đối xứng nhau và nằm ở 1/3 phần thân sau. Cá thường sinh sản vào mùa mưa, trong điều kiện nuôi nhốt. Trứng cá có kích thước lớn từ 2,5 - 3 mm. Cá hải tượng phân bố chủ yếu ở Nam Mỹ như Colombia, Brazil, vùng đảo Guyan, khắp lưu vực sông Amazon và các phân nhánh của nó. Cá hải tượng được phát triển nuôi thương phẩm tại một số nước như Peru, Brazil với nguồn giống dựa vào sinh sản tự nhiên trong quá trình nuôi nhốt. Trong điều kiện nuôi nhốt, cá có thể đẻ trứng 5 - 7 lần/năm. Thức ăn sử dụng để nuôi thương phẩm là thức ăn tươi hoặc thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm khoảng 40%. Sau 12 tháng, tính từ khi cá bắt đầu nở, cá đạt trọng lượng thương phẩm 10 - 15 kg/con. Tại Việt Nam, hải tượng được nuôi làm cảnh, được bán với giá rất đắt tại thành phố Hồ Chí Minh, được các đại gia "chơi" cá cảnh ưa thích. Một cặp cá hải tượng giống, dài 20 cm có giá khoảng 3,5 triệu đồng. Chi phí mua thức ăn để nuôi loài cá này khá tốn kém, trung bình 1 con cá hải tượng dài 1,5 m; mỗi ngày ăn hết gần 5 kg cá. Cá hải tượng là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES II). Loài cá này mặc dù hiện chưa bị nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp. >> Ông Trần Văn Trưng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết, cá hải tượng là loài cá dữ, sức ăn lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, thích nghi với cả những vùng nước thiếu ôxy. Vì vậy có thể là mối đe dọa lớn đến đa dạng sinh học bản địa. Ông Trưng khuyến cáo người dân có biện pháp nuôi nhốt cẩn thận loài cá này, không để cá xổng ra ngoài môi trường. Nguyễn Nhung
Cá hải tượng
Tin liên quan
- Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng
- Mô hình nuôi tôm - cá kết hợp
- Phòng bệnh tổng hợp cho thủy sản nuôi trong mùa hè
- Sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm
- Tại sao chúng ta cho tôm ăn và cách cho ăn nên thế nào?
- Nhìn lại vụ nuôi tôm 2013 và những điều cần quan tâm trong vụ nuôi 2014
- Nuôi Tôm Càng Xanh Thương Phẩm Trong Ao Đất
- Nuôi Tôm Càng Xanh Luân Canh Lúa Trái Vụ Thu Lãi Lớn
- Hạn Chế Tôm Càng Xanh Ăn Thịt Lẫn Nhau
- ĐBSCL: Kỳ vọng quy hoạch nuôi tôm nước lợ
- Vì sao cá tra khó làm VietGAP?
- Nghệ An hạn hán chưa từng thấy