Phòng bệnh tổng hợp cho thủy sản nuôi trong mùa hè

Khả năng nuôi tôm đã được cải thiện đáng kể về năng suất thông qua việc cải thiện gen di truyền và dinh dưỡng sẽ không được thể hiện đầy đủ trừ khi phương pháp cho ăn thích hợp được thực hành. 

1. Chống ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao nuôi: Xác định chính xác khẩu phần thức ăn trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa. Thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi một cách từ từ nhưng lại rất hiệu quả. Cần hạn chế dùng thuốc kháng sinh và hóa chất bởi nếu dùng thường xuyên, thuốc có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao, giảm quá trình chuyển hóa lượng chất hữu cơ lơ lửng và lắng tụ ở đáy ao. Chống xói lở bờ ao và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao, dùng bạt che phủ bờ ao nuôi tôm, nguồn nước lấy vào ao phải qua lắng lọc. Áp dụng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp có thể giúp người nuôi quản lý môi trường thích hợp và bền vững.

2. Quản lý độ trong: Độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, DO (oxy hòa tan) biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại khi độ trong cao, hàm lượng oxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và oxy về ban đêm, gây sốc cho tôm cá. Dùng phân hữu cơ, vô cơ, vi sinh để gây màu nước trước khi thả nuôi. Định kỳ dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) hay vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) để ổn định pH và độ cứng trong ao nuôi thủy sản nước mặn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của sinh vật phù du trong suốt vụ nuôi. Dùng chế phẩm vi sinh để ổn định môi trường. Khi độ trong quá thấp do tảo phù du phát triển mạnh, cần thay một phần nước hoặc tắt máy sục khí cho tảo dồn vào góc ao theo chiều gió, dùng formol nồng độ 4-10 ppm diệt bớt tảo tại góc ao đó, sau đó lại vận hành máy quạt nước trở lại bình thường. 

3. Quản lý độ mặn: Trong ao nuôi, sau các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, do vậy cần thiết phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong các ao nuôi thủy sản vào mùa khô, mùa có độ mặn cao, nhiều khi lên đến 50‰.

4. Quản lý pH: pH nước tăng cao hay xuống thấp không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thủy sản nuôi mà còn gây chết khu hệ thủy sinh trong ao, gây tàn tảo và tác động xấu tới môi trường, sức khỏe thủy sản. pH nước ao còn ảnh hưởng đến tính độc của các loại khí NH3 và H2S tới đời sống của thủy sản nuôi.

Trong các ao nuôi tôm, khi pH cao vượt giới hạn cho phép, có thể dùng đường cát rắc xuống ao cũng có thể làm giảm pH do hoạt động lên men đường của các vi sinh vật. Khi khẩn cấp, có thể dùng một số loại axit hữu cơ phun xuống ao để giảm pH khi cần thiết.

5. Quản lý lượng khí Ammoniac (NH3): Sự tồn tại của khí NH3 trong hệ thống nuôi trồng thủy sản hoàn toàn bất lợi cho đời sống của vật nuôi. Để quản lý hàm lượng NH3 trong ao, định kỳ dùng chế phẩm vi sinh trong các ao nuôi thâm canh, chu kỳ nuôi dài để giảm hàm lượng nitơ dư thừa trong nước ao. Ổn định pH nước ao trong giới hạn 7,5 - 8,5 (nước mặn) để kìm hãm sự chuyển đổi giữa các dạng khác nhau của nitơ. Có thể định kỳ dùng một số thuốc sát trùng có tính ôxy hóa cao để khử một lượng khí độc sản sinh ra trong ao nuôi (Iodine, BKC, H2O2 (nước oxy già)…).

NGỌC NHƯ (tổng hợp) - Báo Phú Yên, 25/2/2014

 

Một số kỹ thuật chống nóng cho cá, tôm

Cá, tôm là động vật thuộc nhóm máu lạnh nên điều kiện nhiệt độ môi trường nước ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của chúng.

Thân nhiệt của cá, tôm thay đổi theo nhiệt độ nước, thường chỉ chênh lệch với nhiệt độ nước khoảng 0,10C, lúc môi trường nước giảm hay tăng đột ngột có thể kích thích dây thần kinh da làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, phát sinh ra bệnh có thể gây chết hàng loạt.

Vào mùa hè, nắng nóng kéo dài hoặc mưa gió bất thường sẽ làm thay đổi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cá, tôm như nhiệt độ, ô-xy… đột ngột, dẫn đến cá bị sốc hoặc phát sinh bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi.

Dưới đây là một số biện pháp chống nóng cho cá, tôm nuôi vào mùa hè nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

- Đối với nuôi cá ruộng: cần bảo đảm lượng nước đầy đủ, tránh nước rò rỉ bằng cách đầm nén chặt bờ. Đào mương và tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho cá ăn, thu hoạch cá. Nếu là ruộng nhỏ, đào một chỗ trũng, nếu là ruộng to đào 2-3 chỗ trũng ở giữa ruộng hoặc rìa ruộng, diện tích chỗ trũng chiếm 2-3% tổng diện tích ruộng. Hệ thống mương hình dấu cộng (+) hoặc hình chữ nhật để nối thông giữa các chỗ trũng, mương rộng 0,5m, độ sâu 0,4 - 0,5 m.

- Đối với ao, hồ nuôi cá, tôm cần tẩy dọn sạch sẽ, nạo vét bùn, chỉ để lượng bùn vừa phải, sau đó phơi nắng đáy ao thật kỹ trước khi đưa vào nuôi.

- Phân bón cần được ủ kỹ, lượng bón tuỳ theo điều kiện thời tiết và chất nước mà điều chỉnh cho thích hợp.

- Mật độ cá, tôm thả ương nuôi, mật độ trứng ấp không nên quá dày để bảo đảm môi trường đủ ô-xy.

- Cho cá, tôm ăn nên áp dụng biện pháp 4 định: định chất lượng, định số lượng, định thời gian và định địa điểm, nếu thức ăn hằng ngày thừa phải vứt bỏ.

- Trong vận chuyển cá tôm phải chọn thời tiết có nhiệt độ thích hợp, nếu nhiệt độ quá cao, phải có biện pháp xử lý hạ nhiệt khi vận chuyển. Nhiệt độ nước chênh lệch trong vận chuyển không quá 2 - 50C, đối với cá, tôm cỡ lớn, nhiệt độ thay đổi không quá 50C, đối với con giống, không quá 2-40C. Thường xuyên theo dõi sự biến đổi của môi trường để bơm nước sạch vào ao, nên dùng máy sục khí để kịp thời bổ sung ô-xy cho ao ương nuôi.

Báo Hải Dương, 25/04/2012 - Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia

 

Một số lưu ý khi nuôi tôm trong mùa nắng

Hằng năm vào mùa nắng, nước ở một số tuyến sông và trong vuông bị cạn kiệt, nhiệt độ nước, độ mặn, độ kiềm tăng cao, tảo phát triển nhiều… sẽ gây ra một số bất lợi đối với tôm nuôi, làm thiệt hại về kinh tế. Người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Gia cố bờ bao hạn chế rò rỉ.

- Nên có ao lắng để chủ động nguồn nước, chuẩn bị máy bơm để bơm nước khi cần thiết.

- Luôn giữ mực nước trên trãng từ 30 cm trở lên, dưới kinh mương từ 1 m trở lên để môi trường vuông nuôi ít dao động, tôm giảm sốc, giảm rủi ro bệnh tật.

- Vào mùa nắng, các yếu tố môi trường thường biến động, nên cần kiểm tra thường xuyên các thông số môi trường và theo dõi hoạt động của tôm.

- Khi nhiệt độ nước tăng trên 32 độ C, tôm ít hoạt động, nằm yên, ngừng ăn, tôm vùi mình, do đó tôm rất dễ bị bệnh đóng rong, đen mang.

- Khi trời nắng nóng có sự dao động lớn giữa nhiệt độ không khí và nhiệt độ môi trường nước, tránh gây sốc hoặc làm động tôm như chài, mò bắt, làm như thế tôm sẽ búng, nhảy lên mặt nước làm cong thân, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm.

- Vào mùa nắng nước cạn, độ mặn thường tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, oxy giảm thấp vào ban đêm… dẫn đến tôm khó lột xác, chậm lớn, tôm bị đỏ thân do thiếu oxy… Nếu có điều kiện, cần cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi. Nên cấp nước từ từ, khoảng 20-30% lượng nước trong vuông, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19 giờ đêm, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý. Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong vuông nuôi.

- Vào mùa nắng đôi khi xuất hiện mưa trái mùa làm môi trường nước biến động, người nuôi tôm cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc, ảnh hưởng đến hoạt động sống. Bên cạnh đó cũng khuyến cáo người nuôi nên thả với mật độ vừa phải.

- Khi trời nắng kéo dài, nước bốc hơi, sự rò rỉ làm mức nước ao nuôi thấp, độ mặn tăng cao từ 35-45‰, trong khi độ mặn của bao tôm giống ở khoảng 24-28‰, như vậy có sự chênh lệch lớn về độ mặn giữa tôm giống và ao nuôi. Nếu thả giống ở thời điểm này, tôm có khả năng thiệt hại từ 50-100%. Có thể thuần hóa độ mặn tôm giống từ từ để phù hợp với độ mặn vuông nuôi./.

KS Hồng Thị Kiều Nga - Báo Cà mau, 21/03/2011 

< Trở lại