Cà Mau có diện tích nuôi tôm hiện nay 280.849 ha, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước, trong đó phát triển nhiều loại hình nuôi tôm như: nuôi siêu thâm canh (ứng dụng công nghệ cao) trên diện tích 2.020 ha; nuôi thâm canh với diện tích 10.290 ha; nuôi quảng canh cải tiến với diện tích gần 130.157 ha; diện tích còn lại nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Trong những năm qua, do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh, trong đó nuôi tôm quảng canh truyền thống là một trong những loại hình nuôi chịu sự tác động lớn của biến đổi khí hậu, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, phần lớn người dân sản xuất theo tập quán canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, chưa có sự tổ chức theo hình thức kinh tế tập thể, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất tôm đạt thấp.
Trước thực trạng nêu trên, việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống là yêu cầu cần thiết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cho chủ trương thực hiện Phương án nuôi tôm 02 giai đoạn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau xây dựng và triển khai Phương án Hỗ trợ thiết bị ương tôm trong nuôi tôm sú 02 giai đoạn tại 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với quy mô 54 bể/54 hộ thực hiện, trong đó mỗi huyện 02 điểm, mỗi điểm 3 hộ. Cụ thể:
+ Thực hiện theo quy trình nuôi tôm QCCT 02 giai đoạn: Triển khai tại huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình và Trần Văn Thời với 21 Tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 12 triệu con giống, thả cho 816 ha nuôi tôm 02 giai đoạn.
Thực hiện theo quy trình nuôi tôm QCCT ít thay nước: Triển khai huyện U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước và TP.Cà Mau với 12 Tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 6,9 triệu con giống, thả cho 466 ha nuôi tôm 02 giai đoạn.
+ Thực hiện theo quy trình nuôi tôm - lúa: Triển khai huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP.Cà Mau với 12 Tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 7 triệu con giống, thả cho 470 ha nuôi tôm 02 giai đoạn.
+ Thực hiện theo quy trình nuôi tôm - rừng: Triển khai huyện Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển với 09 tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 05 triệu con giống, thả cho 350 ha nuôi tôm 02 giai đoạn.
Đây là mô hình kiểm soát được mật độ, hạn chế áp lực về tôm giống, chi phí thả giống thấp, kiểm soát được thức ăn tự nhiên, dễ áp dụng, hiệu quả và bền vững, được các cơ quan, ban ngành và người dân đánh giá cao, có khả năng nhân rộng trên địa bàn Cà Mau rất cao.
Điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
+ Tôm giống khi đem về ương trong bể có diện tích nhỏ, môi trường được xử lý tốt, quá trình chăm sóc quản lý giống như trại sản xuất giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỉ lệ sống cao.
+ Khi ương tôm giai đoạn 1 nước được lấy từ vuông nuôi nên các yếu tố môi trường tương đồng. Khi chuyển tôm xuống ao đất tôm không bị sốc, người nuôi có thể kiểm soát được mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn phát triển, nhờ đó rất dễ dàng chủ động lượng thức ăn bổ sung.
Qua công tác triển khai phương án hỗ trợ thiết bị ương 2 giai đoạn đã tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc ương, thuần tôm trước khi thả nuôi, tôm kích cỡ lớn thích nghi với môi trường để giảm hao hụt trước khi thả ra vuông nuôi (giai đọan 2). Tổng lượng tôm của 54 bể ương năm 2018 khoảng 30 triệu post, lượng tôm đã chuyển xuống vuông nuôi khoảng 21 triệu con tôm, có 1.150 hộ sử dụng với diện tích hơn 2.100 ha. Từ đó, giúp nâng cao năng suất hiệu quả trong nuôi tôm 02 giai đoạn, năng suất tăng từ 20-30% so với trước khi áp dụng quy trình.
Từ hiệu quả mô hình đem lại, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, trong đó mô hình nuôi tôm 02 giai đoạn là một trong những mô hình trọng điểm cần nhân rộng của tỉnh trong thời gian tới.
Trần Thanh Hải - Trung tâm Khuyến nông Cà Mau