Dân nuôi tôm lâu năm ở Đồng Tháp nói: “Năm nào nước lũ đầu nguồn đổ về mạnh, mực nước dâng cao ngập đồng, tôm càng mau lớn”. Nhiều năm, nông dân quen làm mô hình lúa - tôm, sau khi thu hoạch lúa đông xuân là người dân bắt tay vào bồi đắp bờ bao, xử lý nền ruộng, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm càng xanh (TCX). Huyện Tam Nông là một trong những vùng nuôi TCX tập trung nhiều nhất ở khu vực đầu nguồn sông Tiền. Hàng trăm hộ đã tận dụng lợi thế nước lũ để nuôi tôm trong ao, nuôi trên mặt ruộng và một vài nơi chưa có bờ bao. Trong đó, có khoảng 75 hộ nuôi TCX trên diện tích 528ha thuộc 5 xã: Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, An Long, Phú Ninh. Hộ nuôi ít nhất 1ha, có hộ nuôi quy mô trên 15ha. Sau hơn 5 tháng, một số hộ bắt đầu thu hoạch tôm tỉa (tôm trứng). Đến con nước tháng 11 sẽ thu hoạch tôm thương phẩm
Ông Lê Phước Thiện (Tam Nông, Đồng Tháp) nhớ lại thời điểm năm 2009, gia đình ông tiến hành cải tạo mặt ruộng và khử trùng bằng vôi bột. Ông mua cọc tràm, lưới cước thiết kế thành vuông (ao) nuôi TCX trên ruộng. Nhờ có kinh nghiệm quản lý chăm sóc tôm khoa học nên 5 năm qua, ông Thiện đều thu lãi cao. Vụ nuôi tôm đầu tiên, ông thu lãi được 200 triệu đồng; sang năm 2010, lãi thu về hơn 250 triệu đồng; vụ nuôi tôm mùa lũ năm 2011, ông Thiện thu lãi gần 350 triệu đồng. Ông Thiện chia sẻ: “Năm 2013, gia đình tôi thu hoạch xong 5ha TCX đạt tổng sản lượng trên 7 tấn tôm trứng và tôm thương phẩm. Bán giá tôm trứng 160.000 đồng/kg; giá tôm thương phẩm 230.000 đồng/kg, thu nhập trên 1,2 tỷ đồng”. Theo ngành nông nghiệp huyện Tam Nông, tổng sản lượng tôm thu hoạch của toàn huyện hằng năm đạt gần 500 tấn. Nuôi tôm mùa lũ có nhiều lợi ích, khi nông dân thu hoạch xong vụ tôm, xuống giống vụ lúa ít tốn phân bón, mà lúa vẫn cho năng suất. Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết: “Tổng diện tích nuôi TCX của tỉnh khoảng 1.100ha, sản lượng hằng năm đạt 1.700 tấn, chủ yếu nuôi trong ruộng lúa vào mùa lũ. Mô hình 1 vụ tôm - 2 vụ lúa đang có hướng phát triển tốt, nhất là nuôi tôm trong mùa lũ góp phần gia tăng thu nhập cho nông hộ. Đây là mô hình đột phá nhằm tận dụng lợi thế mùa nước nổi”.